Xã Ân Phú

1. Vị trí, địa danh

Xã Ân Phú nằm dưới chân dãy núi Mồng Gà và bên bờ sông Ngàn Sâu, cách trung tâm huyện Vũ Quang 20km, có tổng diện tích tự nhiên là 10,36 Km2. Đây là vùng đất tiếp giáp ba huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ.

 – Phía Bắc giáp xã Sơn Long (huyện Hương Sơn); 

– Phía Nam giáp xã Đức Giang;

 – Phía Đông giáp xã Hòa Lạc (huyện Đức Thọ);

 – Phía Tây giáp các xã Kim Hoa, Sơn Trà (huyện Hương Sơn).

Là xã được hình thành sớm trong lịch sử, vùng đất xã Ân Phú đã có một số lần tách, nhập với những tên gọi khác nhau. Cụ thể, đất Ân Phú xưa có tên là Kẻ Boòng, từ thời hậu Lê (đầu thế kỷ XV) đến đầu thế kỷ XIX được gọi là thôn, sau đó là xã Trại Đầu thuộc huyện Đỗ Gia (sau gọi là huyện Hương Sơn); từ năm Tự Đức nguyên niên (tức năm 1847) đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Trại Đầu được đổi tên thành Ân Phú với các làng như: Làng Boòng Phúc, làng Đông, làng Đoài, làng Đầu Trại, làng Bổn…

 Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Ân Phú vẫn thuộc huyện Hương Sơn; năm 1947, xã Ân Phú sáp nhập với xã 2 xã Đức Hòa và Đức Lạc thành xã lớn Đồng Công thuộc huyện Đức Thọ (vùng đất Ân Phú là khu 7 của xã Đồng Công). Đến năm 1954, xã Đồng Công được chia tách thành 3 xã là Đức Hòa, Đức Lạc và Đức Ân trực thuộc huyện Đức Thọ. Đức Ân là tên gọi mới của xã Ân Phú trước đây; năm 1971, xã Đức Ân được đổi lại tên Ân Phú như trước và tên gọi đó được giữ ổn định cho đến hiện nay.

Về tên gọi các làng trên địa bàn xã: Thời kỳ 1945-1975 gồm có: Thượng Đình, Trung Đình, Hạ Đình, Tân Boòng, Tân Miệu, Tân Giang (làng Vạn nghề). Từ 1975 – 1989, các làng trên địa bàn xã được gọi theo tên các đội sản xuất; từ 1990 đến nay được phân thành các thôn.

Hiện nay, xã Ân Phú có 5 thôn, trong đó: Thôn 1 thuộc địa bàn làng Thượng Đình; thôn 2 thuộc địa bàn làng Trung Đình; thôn 3 thuộc các làng Hạ Đình và Tân Boòng; thôn 4 gồm các xóm Cây Dênh, Rú Cháy, Rú Cầy (nguồn gốc nhân dân thôn 4 vốn trước đây từ làng Tân Boòng di cư vào và một số hộ dân từ xã Đức Tân (Đức Thọ) di dân lên trong những năm kháng chiến chống Mỹ); thôn 5 thuộc địa bàn làng Tân Miệu.

Ân Phú là địa phương có bề dày về lịch sử và văn hóa; là nơi đã sản sinh nhiều nhà yêu nước, cách mạng, nhà văn hóa nổi tiếng với bốn trạng nguyên, một Binh bộ thượng thư, một Chấn võ vệ và một bộ trưởng. Trong suốt chiều dài lịch sử, mãnh đất và con người Ân Phú luôn để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

2. Dân số và cơ cấu tổ chức

– Toàn xã Ân Phú hiện nay có trên 490 hộ dân với gần 1.800 nhân khẩu, được chia thành 05 thôn.
– Đảng bộ xã có gần 130 đảng viên, với 10 chi bộ, trong đó có 05 chi bộ thôn và 05 chi bộ khối cơ quan, trường học.
– Toàn xã hiện có 02 trường học (01 trường mầm non và 01 trường tiểu học), 01 trạm y tế.

3. Tiềm năng, thế mạnh

Với tiềm những năng về đất đai và thổ nhưỡng, Ân Phú có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là trồng các loại rau, cây ăn quả và chăn nuôi.

Xã Ân Phú nằm sát quốc lộ 8A, có tuyến đường Ân Phú – Cửa Rào chạy qua, nằm dọc sông Ngàn Sâu, nơi tiếp giáp giữa 3 huyện Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ nên có nhiều thuận lợi trong giao thương, trao đổi hàng hóa; là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, là quê hương của nhà thơ Huy Cận, đồng thời có nhiều cụm tuyến dân cư, nhà vườn xanh – sạch – đẹp, sinh thái để phát triển du lịch trải nghiệm.

Xã Ân Phú được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015; là một trong hai đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Vũ Quang (vào năm 2020).

4. Một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn xã

– Mật ong
– Bưởi da xanh
– Mật ong ngâm hoa đu đủ đực Mạnh Hùng

5. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn

– Đền Vại (Đền Nhà Bà).
– Nhà thờ Nguyễn Tính.
– Nhà thờ họ Đặng.

6. Danh nhân tiêu biểu

– Hai cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy.
– Trạng nguyên Trần Thành Đốn.
– Trạng nguyên Trần Tiết Việt.
– Tiến sỹ – Hiệu sinh phủ Trần Xuân Hòa.
– Tiến sỹ Tri phủ Trần Khắc Nhượng.
– Binh bộ Thượng thư Lê (Cù) Ngọc Xán.
– Hộ bộ Thượng thư Trần Hữu Kiệm.
– Bộ trưởng – Viện sỹ Viện Hàn lâm thơ thế giới Cù Huy Cận.