Khu căn cứ địa Vũ Quang (Thành Cụ Phan)

Di tích lịch sử cấp quốc gia “Khu căn cứ địa Vũ Quang”  (còn có tên gọi khác là Thành Cụ Phan) thuộc xã Quang Thọ, là căn cứ trung tâm, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân Phan Đình Phùng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Trung tâm của khu di tích được tạo bởi đá tự nhiên có tổng chiều dài 8.010 m rộng 150m, mặt tiền của thành dựng đứng có độ cao trung bình 30m, hiện còn dấu tích của hai cổng: cổng chính và cổng Đông Bắc. Tại cổng chính có hai hòn đá lớn cao 3mx2m, tương truyền đây là nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng đứng gác, phía dưới có vực thành là điểm cuối cùng của thành luỹ. Đối diện với mặt tiền là dãy núi Tây Thành làm bức tường tự nhiên bảo vệ đại bản doanh. Hậu thành dựa vào núi Giăng Màn tạo nên thế vững chắc an toàn cho căn cứ, dưới núi có khe Rào Rồng, chân ôm lấy thành và gặp khe Vách rào tạo thành đầu nguồn sông Ngàn Trươi nơi xảy ra trận đánh nổi tiếng ngày 26/10/1894 là trận đánh tiêu biểu của khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Mặt thành tương đối bằng phẳng là nơi đóng bộ chỉ huy, doanh trại, hậu cần và quân lương.

Cách thành cũ quay về phía Tây Nam khoảng 3km, có bãi đất khá rộng diện tích 418 x 228m phía Tây giáp sông Con, phía Đông giáp núi Cây Khế, phía Nam giáp khu vực xã Thọ Điền, đây là nơi Phan Đình Phùng và bộ tham mưu tổ chức huấn luyện binh sỹ. 

Hiện nay, dưới chân Thành còn có Nhà bia kỷ niệm nghĩa quân Hương Khê và chiến thắng Vụ Quang. Đây là nơi để du khách thập phương thể hiện lòng thành kính trước những cống hiến, hy sinh của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Thành Cụ Phan đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1995.