LỢI THẾ VÀ CƠ HỘI THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA VŨ QUANG

Huyện Vũ Quang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 70 km, có tổng diện tích tự nhiên 63.766ha; có hơn 49 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Phía Bắc giáp huyện Hương Sơn; phía Nam giáp huyện Hương Khê; phía Tây tiếp giáp huyện Khăm Cợt (Lào); phía Đông giáp các huyện Đức Thọ và Can Lộc.

Với những lợi thế về diện tích, thổ nhưỡng, giao thông; những tiềm năng về cảnh quan tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên… là cơ hội để Vũ Quang thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.

1. Đầu tư phát triển trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp

1.1. Đầu tư phát triển các loại cây ăn quả và cây công nghiệp

Trong số 63.766ha tổng diện tích tự nhiên, Vũ Quang có 5.710ha đất sản xuất nông nghiệp 5.710ha, đất lâm nghiệp 49.736ha.

Các loại đất chủ yếu ở Vũ Quang gồm: Đất vàng trên cát sét, đất vàng nhạt trên cát, đất mùn vàng đỏ trên đá Macmaaxit, đất đỏ vàng trên đá Granit nên rất thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả quy mô lớn, cho sản phẩm chất lượng cao như: Cam, bưởi, chanh, hồng… Chất lượng các loại cây ăn quả ở Vũ Quang đã tạo được danh tiếng và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vũ Quang còn thích cho việc đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp như: Mía, dứa, tre khổng lồ, chè búp…

Mô hình cam trên địa bàn huyện

1.2. Đầu tư trồng rừng gỗ lớn và rừng nguyên liệu

Với 49.736 ha diện tích đất lâm nghiệp, Vũ Quang có nhiều lợi thế để đầu tư phát triển các loại rừng trồng cây gỗ lớn và rừng nguyên liệu, đặc biệt là cây keo cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ.

Các cánh rừng ở Vũ Quang

1.3. Đầu tư trồng cây dược liệu

Với lợi thế về diện tích đất rừng và đất vườn đồi, đặc biệt có Vườn Quốc gia Vũ Quang diện tích 54.743 ha với 90% rừng bao phủ, trong đó 76% là rừng nguyên sinh.

Vườn Quốc gia Vũ Quang có 05 kiểu rừng chính được phân chia theo các đai cao khác nhau: rừng kín thường xanh trên đất thấp phân bố ở độ cao 100 – 300m; rừng thường xanh trên núi thấp phân bố trong khoảng độ cao từ 300 – 1.000m; rừng thường xanh trung bình ở độ cao từ 1.000 – 1.400m gồm chủ yếu các loài cây lá rộng; rừng thường xanh trên núi cao phân bố ở độ cao 1.400 – 1.900m; rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900m.

Vì vậy huyện Vũ Quang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư phát triển các dự án trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt là các cây dược liệu dưới tán rừng.

Trồng dược liệu dưới tán rừng

1.4. Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao

Với tiềm năng và lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên, Vũ Quang có những thuận lợi để đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất  nhằm cung cấp các loại thực phẩm an toàn, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mô hình nhà vườn sinh thái của gia đình ông Đậu Khắc Mịnh thôn 4 xã Ân Phú

1.5. Đầu tư phát triển chăn nuôi

Với diện tích tự nhiên rộng, trong đó trên ¾ diên tích là đồi núi nên Vũ Quang có lợi thế để đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Trâu, bò, dê, lợn, gà, Ong và một số loại con đặc sản khác như: Chồn, Dúi… Bên cạnh đó, Vũ Quang có diện tích lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi để đầu tư nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt có giá trị khác.

2. Đầu tư phát triển du lịch

Vũ Quang có nhiều lợi thế về cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Nơi có Vườn Quốc gia Vũ Quang – Vườn di sản ASEAN có hệ động, thực vật và cảnh quan vô cùng phong phú, đa dạng với 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; có 94 loài thú thuộc 26 họ, trong đó có Sao La là loài điển hình của thế giới; có 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện, trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; có nhiều thác nước đẹp, kỳ vĩ như: Thác Rồng, thác Thang Đày…, có quần thể Pơmu trên 1000 năm tuổi…; có hồ Ngàn Trươi – hồ thủy lợi có dung tích trên 775 triệu m3, lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh và đứng thứ 3 toàn quốc, trong lòng hồ có 32 hòn đảo lớn nhỏ tạo cảnh quan tuyệt đẹp; có sông Ngàn Trươi gắn với Đập Dâng chạy dọc thị trấn Vũ Quang giống như đôi bờ sông Hương thơ mộng.

Vũ Quang có hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa đa dạng và trải đều trên địa bàn huyện, trong đó có di tích lịch sử cấp quốc gia – căn cứ cuộc khởi nghĩa của nhà yêu nước Phan Đình Phùng; có 15 di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh; có di tích An toàn khu Trung Bộ (ATK2), nơi sản xuất giấy bạc tài chính (giấy bạc cụ Hồ) và các loại vũ khí trong kháng chiến chống Pháp; có hệ thống các tua tuyến du lịch trải nghiệm nông thôn mới với nhiều điểm đến hấp dẫn ở các xã, đặc biệt là điểm du lịch cộng đồng tại thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền) – nơi được lựa chọn là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Tĩnh.

Đây chính là tiềm năng và cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư khai thác vào linh vực này.

3. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chế biến gỗ nguyên liệu

Với lợi thế về giao thông như có đường Hồ Chí Minh nối liền với các huyện Hương Sơn, Hương Khê và quốc lộ 8A; có tỉnh lộ 552 nối liền với huyện Đức Thọ, Vũ Quang trở thành trung tâm của các huyện miền tây Hà Tĩnh – nơi đây được ví như là “thủ phủ” trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp và cây rừng nguyên liệu lớn nhất của tỉnh. Vì thế, Vũ Quang có lợi thế trong việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản như chế biến hoa quả; chế biến các sản phẩm của ngành chăn nuôi; chế biến gỗ và một số sản phẩm từ cây công nghiệp trước khi xuất đi các huyện khác trong tỉnh, các tỉnh khác trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

4. Đầu tư khai thác khoáng sản

Theo khảo sát, trên địa bàn huyện Vũ Quang có quặng sắt với trữ lượng khoảng trên 10 triệu tấn, phân bố trên địa bàn các xã Thọ Điền, Thị trấn Vũ Quang, Hương Minh và Quang Thọ. Trong đó một số mỏ có trữ lượng khá lớn như mỏ Hòn Bàn có trữ lượng khoảng 1,1 triệu tấn; mỏ Rú Cỏ có trữ lượng khoảng 0,7 triệu tấn. Đây là một trong những tiềm năng để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy để khai thác trong tương lai.

5. Đầu tư khai thác và cung cấp nước ngọt

Vũ Quang có hồ thủy lợi Ngàn Trươi với diện tích gần 4.080 ha, trữ lượng trên 775 triệu m³, là hồ chứa nước ngọt lớn thứ 3 toàn quốc. Hồ Ngàn Trươi với chất lượng nước đảm bảo khi nằm ở thượng nguồn sông Ngàn Trươi, trong khu vực Vườn Quốc gia Vũ Quang, do đó trở thành tiềm năng vô cùng quan trọng để cung cấp nước cho nhiều địa phương khác, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang khiến cho nhiều vùng miền thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng.