Đền Cửa Rào (thôn 7, xã Quang Thọ), nơi thờ tướng quân Trần Bá Tước, một dũng tướng của Bình Định vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV. Thần tích của đền ghi như sau: “Thần bản thổ là quan Bá Tước được gia phong Trung liệt hồng uy Trung đẳng linh thần. Nguyên Ngài họ Trần người xã Bằng Bản huyện Hương Sơn (nay là xã Hòa Hải huyện Hương Khê). Ngài hy sinh trong một trận giao tranh với quân của Trương Phụ (tướng của giặc Minh). Tương truyền trên đường đưa Ngài về quê an táng, khi đi qua Cửa Rào có dừng lại nghỉ chân, máu của Ngài đã thấm xuống trên một hòn đá. Để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ tại đây gọi là đền Cửa Rào”. Đền đã được các vua triều Nguyễn như Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại ban hành nhiều sắc phong.
Trước đây, nhà chính của đền được làm bằng gỗ tốt với 3 gian lợp ngói âm dương, xung quanh xây tường bao, có bái đường làm bằng gỗ; phía trước có sân rộng, lát gạch đỏ; trong nội điện có 3 pho tượng gỗ, long ngai; nhiều thanh gươm, đao, kiếm bằng gỗ; một cái tráp được sơn son thếp vàng. Ngoài ra còn nhiều đồ tế khí khác như: Đèn đồng, bát nhang, hoành phi, câu đối; trống, chiêng và bộ bát bảo; một số con vật linh thiêng bằng gỗ như hạc, rùa,v.v.. Cổng đền có 2 cột nanh lớn; hai bên có tượng voi và lính gác rất uy nghiêm.
Năm 1949, chính quyền địa phương chủ trương hợp tự tất cả các đền trong khu vực sông Ngàn Trươi về tại đền Cửa Rào. Như vậy, đền Cửa Rào trở thành “đền cả”, đền lớn nhất trong lưu vực Ngàn Trươi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chính quyền địa phương đã cho một đơn vị bộ đội phòng không mượn Đền làm nơi đóng quân để bảo vệ cầu Cửa Rào. Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, do nhận thức chưa đầy đủ về giá trị văn hóa – lịch sử của ngôi đền cũng như xu thế chung của lịch sử, chính quyền xã đã bán đền cho một người dân ở Đức Thọ làm nhà ở. Từ đó, đền chỉ còn lại dấu tích và để lại bao tiếc nuối trong lòng Nhân dân.
Năm 2008, Đền đã được phục dựng lại ngay tại vị trí nền cũ. Năm 2011, Đền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ tế chính thức của đền là vào ngày rằm tháng hai (15/2 âm lịch). Đây là dịp để Nhân dân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn với những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Đồng thời, cũng là dịp cố kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm và tô đậm thêm vẻ đẹp văn hóa tinh thần của người dân địa phương./.