Đền Hai hay còn gọi là đền Voi Mẹp tọa lạc tại xóm Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Đền ngoảnh về hướng Đông Đông Bắc, nơi trước đây con sông Ác giang/Thâm giang chảy qua trước cổng đền. Dòng Thâm giang (sông Ngàn Sâu) bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, nằm trên địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sông chảy về hướng Bắc qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ vùng núi Ông Giao Thừa (cao 1.100m) và núi Cũ Lân (cao 1014m) thuộc Hương Sơn đến ngã ba Tam Soa hợp lưu với sông Ngàn Phố tạo thành sông La giang chảy hợp lưu với sông Cả gọi là sông Lam giang rồi đổ ra biển qua cửa Hội. Sông Thâm giang trước đây lắm thác ghềnh rất hiểm trở nhất là vào mùa mưa lũ nhấn chìm một vùng rộng lớn hai bên tả, hữu ngạn, là thách thức lớn đối với người dân sống ở đây.
Vùng Bồng Giang nói riêng và vùng rừng miền núi Vũ Quang nói chung vào khoảng thế kỷ XVIII, XIX là vùng đất âm u, ẩm thấp, nhiều mưa. Cây cỏ, hoa màu, vật nuôi thường bị cuốn trôi vào mùa lũ lụt, gây thiệt hại to lớn cho nhân dân. Cuộc sống con người bị thiên nhiên chi phối. Chính vì vậy, họ lập miếu thờ thủy thần, tin tưởng vào đấng siêu nhiên phù hộ đội trì cho tai qua nạn khỏi, mùa màng tươi tốt, nhân dân yên ổn làm ăn, sinh sống. Và đó không chỉ là nguồn nước uống cho con người, vạn vật mà nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp. Nước có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời đánh thức sự hồi sinh. Vì vậy, con người vừa muốn chế ngự, vừa muốn sùng bái nó. Đền Hai khởi thủy là như thế. Qua thời gian, nhu cầu tín ngưỡng thờ thủy thần càng lớn. Việc tôn tạo mở rộng di tích càng được đặt ra và đền Hai từ ngôi miếu nhỏ đã mở rộng thành ngôi đền với quy mô ngày càng lớn.
Dưới thời phong kiến, các đời vua đã ban sắc phong cho đền giao cho địa phương bảo vệ, hương khói vị thần có công “hộ quốc, tỷ dân”. Qua thời gian và biến thiên của lịch sử, sắc phong bị mất mát, đền Hai bị xuống cấp.
Thượng Bồng – Hạ Bồng vào cuối thế kỷ XIX nằm bên tả ngạn sông Ngàn Sâu, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo, sau khi nghĩa quân rút khỏi làng Đông Thái (Đức Thọ) và căn cứ Cồn Chùa (Hương Sơn). Thượng Bồng – Hạ Bồng bao gồm các xã Thượng Bồng, Hạ Bồng, Lệ Động, Phương Duệ, Yên Duệ thuộc tổng Thượng Bồng, huyện Hương Sơn và cả các thôn Lâm Thao, Hòa Duyệt thuộc tổng Hương Khê, huyện Hương Khê (nay là các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Liên và một phần xã Đức Giang. Đền Hai cùng với đền Lệ Động (xã Đức Lĩnh), đền Phùng (xã Đức Hương) nay thuộc huyện Vũ Quang nằm ở căn cứ Thượng Bồng – Hạ Bồng và là nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng thường lui tới để kháng cự với thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Đền Hai nằm gần nhà cụ Lê Hữu Chỉ, nơi đặt bộ chỉ huy của cụ Phan Đình Phùng 2km, là nơi bảo vệ khá nghiêm ngặt của nghĩa quân.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/2/1930), nửa đầu năm 1930, chi bộ Mai Hoa được thành lập trên địa bàn hai xã Đức Lĩnh và Đức Giang ngày nay và trở thành chi bộ Đảng đầu tiên của tổng Thượng Bồng đồng thời là một trong những chi bộ thành lập sớm nhất ở tỉnh Hà Tĩnh. Chi bộ Mai Hoa ra đời tác động lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng ở vùng này. Các đảng viên cộng sản kiên trung của chi bộ Mai Hoa đã ẩn náu và thực hiện nhiều hoạt động cách mạng bí mật ở đền Hai, xã Đức Lĩnh, hưởng ứng phong trào đấu tranh quyết liệt, góp phần tạo nên cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh lập nên chính quyền Xô Viết, đưa chính quyền về tay nhân dân.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đền Hai cũng nằm trong an toàn khu (ATK) nơi tập trung máy móc, thiết bị sản xuất phục vụ kháng chiến của nhiều cơ quan trọng yếu của trung ương.
Đền Hai là một ngôi đền linh thiêng. Trước đây, khi đi qua đền người dân phải cất nón, mũ rồi mới được qua nếu không sẽ sợ thần “quở trách”. Nghi lễ tổ chức ở đền hàng năm, lễ chính thường vào hai ngày rằm tháng Giêng và tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch.
Đền Hai ngoảnh mặt về hướng Đông Đông Bắc. Đền có khuôn viên khá rộng rãi. Các công trình của đền được bố trí đăng đối trên trục thần đạo bao gồm: cột nanh và tường dắc, nghi môn, thượng điện.
Đền Hai là di tích lịch sử được người dân xây dựng từ lâu đời. Khởi thủy là một ngôi miếu nhỏ, khá khiêm tốn, phụng thờ thủy thần. Dần dần, do nhu cầu tín ngưỡng, vào năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức, thời Nguyễn (1868), ngôi đền được tôn tạo khang trang với hai tòa thượng, hạ điện bằng gỗ lim chạm trổ cầu kỳ với nhiều đề tài truyền thống và nghi môn, phía trước có đôi voi quỳ chầu hai bên. Đền rất uy nghiêm, có ban lễ nghi.
Qua thời gian đến nữa đầu thế kỷ 20, đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Tòa hạ điện, nghi môn trở thành phế tích. Đến những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển; được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, đền Hai được khôi phục lại từng phần. Tòa thượng điện được tôn tạo lại dựa trên bộ khung gỗ cũ, nâng cao nền chống thấp lụt. Nghi môn được xây dựng lại bề thế.