ĐỀN LỆ ĐỘNG

Đền Lệ Động là ngôi đền cổ linh thiêng tại xã Lệ Động, nay thuộc thôn Thanh Sơn xã Đức Lĩnh – huyện Vũ Quang. Đền được dựng nên cách đây khoảng gần 300 năm để thờ những người có công với nước và nhân dân trong vùng.

Đền đã được các vị vua triều Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định phong tặng 13 đạo phong sắc cho xã Lệ Động (nay thuộc thôn Thanh Sơn xã Đức Lĩnh – huyện Vũ Quang) có công thờ cúng, bảo tồn,
tôn tạo, đền báo đáp ân đức của các triều vua đối với các vị thần linh có công giúp dân, phò vua, trị nước.

Không chỉ là một di tích văn hóa tâm linh, đền Lệ Động còn là một di tích lịch sử cách mạng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Đền là nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng chọn làm Tiền đồn để hội họp, cất giấu vũ khí, lương thực. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đền Lệ Động được sử dụng cất giấu vàng bạc của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở an toàn khu. Những năm 1960 đến 1970 Đền là nơi tổ chức Bình dân học vụ, truy điệu các con em trong xã đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. 

Trải qua thời gian, chiến tranh và nhiều lý do khác nên Đền Lệ Động ngày càng trở nên hoang phế. Các kỷ vật, đồ tế lễ và các đạo sắc phong theo chủ trương chung được tập trung về đền Nghê ở Bồng Phúc (nay thuộc xã Đức Lạng, Đức Thọ). Mãi đến năm 2000, một số người dân ở Lệ Động cũ có tâm huyết muốn phục dựng lại đền nên đã cất công tìm lại được 13 sắc phong và từng bước phục dựng lại Đền. 

Ghi nhận những giá trị lịch sử  to lớn đó ngày 26/8/2015 UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng Đền Lệ Động là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây thực sự là niềm vui  tự hào của bà con nhân dân trong xã, đồng thời đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và góp phần giáo dục truyền thống và đạo lý tốt đẹp “ Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa ” của dân tộc.