Đền thờ Đoàn Văn Truyền (xã Hương Minh)

Đền tọa lạc tại thôn Hợp Đức, xã Hương Minh, nơi thờ tướng quân Đoàn Văn Truyền, một vị tướng có công với đất nước thời Lê – Trịnh.

Theo thần tích của Đền ghi lại, Đoàn Văn Truyền sinh năm Canh Tý (1600) tại thôn Nha, tổng Đồng Công, huyện Hương Sơn, nay là thôn Đồng Lạc, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi gia nhập quân đội của nhà Lê – Trịnh, năm 1627, Đoàn Văn Truyền và người chú là Đoàn Văn Mạc được điều động lên vùng Cao Bằng để dẹp trừ dư đảng của quân nhà Mạc. Hai ông lập được nhiều chiến công, Đoàn Văn Truyền được phong chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, đồng Tổng tri Đô nguyên soái, Dương Quận công; Đoàn Văn Mạc được phong chức Lan Quận công, hiệu Triều Bộc. 

Một thời gian sau, Đoàn Văn Truyền xin cáo quan để về quê. Tại quê nhà, Ông đã tập hợp bà con, họ hàng và dân làng ngược miền thượng ngàn để khai hoang lập làng mới tại vùng đất xã Bình Thụ, tổng Bào Khê, huyện Hương Sơn (nay là xã Hương Minh, huyện Vũ Quang). Là người có công lớn trong việc khai phá đất đai lập làng. Sau khi ông mất, dòng họ Đoàn và nhân dân xã Bình Thụ (Hương Minh) đã phong ông làm Thành hoàng làng và xây dựng đền để thờ tự. 

Năm Khải Định thứ 9 (tức năm 1924), Đền thờ Đoàn Văn Truyền được trùng tu tôn tạo gồm một ngôi đền chính bằng gỗ lim, 2 gian, 3 vì kèo, 6 cột chính, mái lợp ngói Tây. Phần thờ tự được bố trí cao khoảng 1,2 m. Nội thất có bàn thờ, lư hương, long ngai bài vị và một số đồ tế khí khác như đao, kiếm, hòm đựng sắc phong… Bài vị làm theo lối cổ, ghi rõ bằng chữ Hán: “Thủy tổ tiền Lê triều, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, đồng Tổng tri Đô nguyên soái, Dương Quận công Đoàn tướng công, tự Văn Truyền chi thần”. 

Đền thờ Đoàn Văn Truyền đến nay còn giữ được 07 đạo sắc phong thuộc các triều vua Duy Tân và Khải Định. Năm 2006, Đền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Lễ tế chính thức của đền vào ngày 5 tháng 5 âm lịch (đúng dịp ngày mất của ông). Đây là dịp để Nhân dân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn với  người đã có công dẹp giặc, khai hoang, lập ấp. Đồng thời, cũng là dịp cố kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm và tô đậm thêm vẻ đẹp văn hóa tinh thần của người dân địa phương./.