Giới thiệu về huyện
1. Vùng đất Vũ Quang trước khi thành lập huyện
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Vũ Quang được biết đến là vùng đất lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, gắn liền với những con người cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất thuộc huyện Vũ Quang ngày nay cũng có nhiều lần thay đổi về địa giới và tên gọi khác nhau.
Theo các tư liệu lịch sử ghi lại, thời kỳ nhà Hán đô hộ, vùng đất huyện Vũ Quang ngày nay thuộc về huyện Dương Toại, quận Cửu Đức; thời thuộc Đường đổi thành châu Phúc Lộc; thời Lý – Trần thuộc hương Đỗ Gia – Phủ lộ Nghệ An và được gọi là vùng núi “Vụ Thấp” hay “Vụ Quang” (với ý nghĩa là một vùng núi “sương mù, ẩm ướt”) và chỉ có một bộ phận dân tộc ít người sinh sống. Thời giặc Minh đô hộ vùng đất này thuộc hai huyện Cổ Đỗ và Thổ Hoàng. Đến năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho đổi huyện Đỗ Gia thành Hương Sơn, lúc này vùng đất Vũ Quang thuộc về huyện Hương Sơn, thừa tuyên Nghệ An. Đến năm Tự Đức thứ 20 (1867), triều đình nhà Nguyễn quyết định thành lập huyện Hương Khê thì phần đất các xã Quang Thọ, Hương Minh, Thị trấn Vũ Quang và một phần xã Đức Liên ngày nay thuộc huyện Hương Khê.
Như vậy, từ năm 1867 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất Vũ Quang thuộc về các huyện Hương Sơn, Đức Thọ và Hương Khê. Trong đó, các xã Thượng Bồng (Đức Bồng), Hạ Bồng (Đức Lĩnh), Yên Duệ, Phương Duệ (xã Đức Hương ngày nay) và xã Ân Phú thuộc huyện Hương Sơn; các làng Văn Tân và Cẩm Trang (xã Đức Giang ngày nay) thuộc huyện Đức Thọ; các làng, xã: Đan Trai, Khê Thượng (tức thị trấn Vũ Quang), làng Vân Cù, xã Hương Thụ (xã Hương Minh ngày nay); các làng, xã: Hương Khê, Kim Quang (xã Quang Thọ ngày nay) và Lâm Thao, Hòa Duyệt (xã Đức Liên ngày nay) thuộc huyện Hương Khê.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các làng, xã trên vùng đất Vũ Quang có sự thay đổi về tên gọi: Các làng Đan Trai, Khê Thượng (Hương Đại) được sáp nhập thành xã Đan Khê, sau đó nhập thêm làng Vân Cù (một phần xã Hương Minh) thành xã Vân Thượng; các xã Hương Khê (Hương Thọ) và Hương Thụ (Hương Minh) nhập thành xã Song Hương. Riêng xã Kim Quang vẫn giữ nguyên tên gọi. Năm 1949, các xã Song Hương, Vân Thượng, Kim Quang tiếp tục được sáp nhập thành xã lớn có tên gọi Hương Giang thuộc huyện Hương Khê.
Xã Thượng Bồng (Đức Bồng) đổi thành xã Liên Bồng; xã Hạ Bồng (Đức Lĩnh) đổi thành xã Bồng Lĩnh; các làng Lâm Thao, Hòa Duyệt (Đức Liên) sáp nhập với các xã Yên Duệ, Phương Duệ (Đức Hương) thành xã Liên Hương; xã Ân Phú được sát nhập và trở thành một bộ phận của xã Đồng Công; các làng Văn Tân, Cẩm Trang (xã Đức Giang hiện nay) sát nhập thành xã Long Giang, từ năm 1948 nhập với Bồng Lĩnh thành xã Bồng Giang. Các xã này thuộc huyện Đức Thọ.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, các đơn vị hành chính cấp xã trên vùng đất Vũ Quang tiếp tục có sự điều chỉnh về địa giới và tên gọi. Theo đó, năm 1954, vùng Ân Phú được tách ra từ xã Đồng Công, lập xã mới lấy tên là Đức Ân; xã Liên Bồng được đổi thành xã Đức Bồng; xã Liên Hương được tách thành hai xã Đức Liên và Đức Hương (trong đó, Đức Liên bao gồm phần đất của hai xã Lâm Thao và Hòa Duyệt trước đây, còn Đức Hương thuộc phần đất của hai xã Yên Duệ và Phương Duệ); xã Bồng Giang được tách thành hai xã mới là Đức Giang và Đức Lĩnh. Các xã trên đều trực thuộc huyện Đức Thọ. Năm 1956, xã Hương Giang được tách thành 5 xã mới là Hương Quang, Hương Điền, Hương Đại, Hương Minh và Hương Thọ trực thuộc huyện Hương Khê.
Tháng 6 năm 1971, Phủ Thủ tướng đã ban hành Quyết định về việc thành lập xã Sơn Thọ (thuộc huyện Hương Sơn) trên cơ sở cắt một phần diện tích của xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn) và xã Hương Đại (huyện Hương Khê). Đây là vùng kinh tế mới do hàng trăm hộ dân từ các xã Đức Yên, Đức Ninh, Đức Bùi, Đức Bình, Thị trấn Đức Thọ của huyện Đức Thọ lên định cư, canh tác trong giai đoạn từ năm 1965-1971.
Tháng 8 năm 2000, khi huyện Vũ Quang được thành, 12 xã: Hương Quang, Hương Điền, Hương Minh, Hương Thọ, Hương Đại, Sơn Thọ, Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang và Ân Phú thuộc về huyện Vũ Quang.
2. Sự ra đời và phát triển của huyện Vũ Quang
2.1. Huyện Vũ Quang được thành lập
Để khắc phục những khó khăn về kinh tế – xã hội của các địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa của các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ, đồng thời khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đảm bảo quốc phòng – an ninh của vùng biên giới, trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân và đề xuất của chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ngày 04/08/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Nghị định số 27/2000/NĐ-CP về việc thành lập huyện Vũ Quang thuộc tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở hợp nhất 06 xã của huyện Đức Thọ (Ân Phú, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Liên), 05 xã của huyện Hương Khê (Hương Đại, Hương Điền, Hương Minh, Hương Thọ, Vũ Quang) và xã Sơn Thọ của huyện Hương Sơn với tổng diện tích tự nhiên là 63.821ha, dân số 35.8777 nhân khẩu.
2.2. Vị trí và tiềm năng
* Vị trí địa lý
Huyện Vũ Quang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 70 km, có tọa độ khoảng từ 18,080 đến 18,290vĩ Bắc và 105,060 đến 105,380 kinh Đông. Phía Bắc giáp huyện Hương Sơn; phía Nam giáp huyện Hương Khê; phía Tây tiếp giáp huyện Khăm Cợt (Lào); phía Đông giáp các huyện Đức Thọ và Can Lộc; huyện có hơn 46 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào
* Một số tiềm năng, thế mạnh:
– Phát triển kinh tế rừng và vườn đồi: Nằm về phía Đông của dãy Trường Sơn với 3/4 diện tích tự nhiện của Vũ Quang là đồi núi. đất đai ở Vũ Quang gồm các loại chính như: Đất vàng trên cát sét, đất vàng nhạt trên cát, đất mùn vàng đỏ trên đá Macmaaxit, đất đỏ vàng trên đá Granit và đất phù sa dọc các triền sông. Các nhóm đất này thích hợp cho việc trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu (nhất là cây keo), cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu và một số loại rau màu khác. Đặc biệt là trồng các loại cây ăn quả như: Cam, bưởi, chanh, hồng; nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Một số sản phẩm nông nghiệp của Vũ Quang như: Cam chanh, cam bù, bưởi, hồng, mật mía, mật ong… đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
– Phát triển du lịch, dịch vụ: Vũ Quang có nhiều lợi thế về cảnh quan, di tích và hệ thống giao thông để phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nơi có Vườn Quốc gia Vũ Quang – Vườn di sản ASEAN với hệ động, thực vật và cảnh quan vô cùng phong phú, đa dạng với 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; có 94 loài thú thuộc 26 họ, trong đó có Sao La là loài điển hình của thế giới; có 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện, trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; có nhiều thác nước đẹp, kỳ vĩ như: Thác Rồng, thác Thang Đày…, có quần thể Pơmu trên 1000 năm tuổi…; có hồ Ngàn Trươi – hồ thủy lợi có dung tích 775 triệu m3, lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh và đứng thứ 3 toàn quốc, trong lòng hồ có 32 hòn đảo lớn nhỏ tạo cảnh quan tuyệt đẹp; có sông Ngàn Trươi gắn với Đập Dâng chạy dọc trấn Vũ Quang giống như đôi bờ sông Hương thơ mộng.
Vũ Quang có hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa đa dạng và trải đều trên địa bàn huyện, trong đó có di tích lịch sử cấp quốc gia – căn cứ cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng; có nhiều di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh; có làng gốm Cẩm Trang, Hợp Phát (xã Đức Giang) với những sản phẩm từng một thời nức tiếng gần xa; có di tích An toàn khu Trung Bộ (ATK2), nơi sản xuất giấy bạc tài chính (giấy bạc cụ Hồ) và các loại vũ khí trong kháng chiến chống Pháp; có hệ thống các tua tuyến du lịch trải nghiệm nông thôn mới với nhiều điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là điểm du lịch cộng đồng tại thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền) – nơi được lựa chọn là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Tĩnh.
Bên canh đó, với hệ thống giao thông tương đối đa dạng gồm:
+ Đường bộ: Có Đường Hồ Chí Minh chạy dọc các xã vùng thượng huyện, nối từ quốc lộ 8A từ Hương Sơn, qua Vũ Quang sang Hương Khê; tỉnh lộ 552 bắt đầu từ Quốc lộ 8A qua các xã vùng thượng Đức Thọ – hạ Vũ Quang nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Vũ Quang; tuyến đường Ân Phú – Cửa Rào bắt đầu từ quốc lộ 8A chạy dọc các xã vùng hạ huyện đến Cửa Rào (xã Quang Thọ).
+ Giao thông đường thủy trên sông Ngàn Sâu và sông Ngàn Trươi. Sông Ngàn Sâu bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào, sau khi chảy qua một số xã trên địa bàn huyện Hương Khê, khi về Cửa Rào (nơi giáp ranh giữa hai xã Quang Thọ và Đức Liên) hợp lưu với sông Ngàn Trươi rồi lần lượt chảy qua Đức Liên, Đức Hương và mé Đông các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang và Ân Phú, đến Linh Cảm hợp với sông Ngàn Phố (từ Hương Sơn chảy xuống) thành sông La. Sông Ngàn Trươi bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào, chảy qua địa phận các xã Quang Thọ, Thọ Điền, Thị trấn Vũ Quang, Hương Minh rồi nhập vào sông Ngàn Sâu tại Cửa Rào.
+ Đường sắt: Trên địa bàn huyện có 02 điểm dừng của tuyến đường sắt Bắc – Nam gồm ga Hòa Duyệt (xã Đức Liên) và ga Yên Duệ (xã Đức Hương).
2.3. Cơ cấu tổ chức, hành chính
Hiện nay, toàn huyện có 10 xã, thị trấn (gồm: Quang Thọ, Thọ Điền, Hương Minh, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú và thị trấn Vũ Quang) với 79 thôn, tổ dân phố.
Đảng bộ huyện có trên 2.900 đảng viên với tổng số 27 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, trong đó có 10 đảng bộ xã, thị trấn; 08 đảng bộ và 09 khối cơ quan; có tổng số 181 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 78 chi bộ thôn, tổ dân phố và 103 chi bộ cơ quan, trường học, y tế, công an và quân sự.
Toàn huyện có 02 trường trung học phổ thông (THPT Vũ Quang và THPT Cù Huy Cận); 01 Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên; có 04 trường trung học cơ sở (Phan Đình Phùng, Bồng Lĩnh, Liên Hương và Ân Giang); 03 trường liên cấp tiểu học – trung học cơ sở (Sơn Thọ, Quang Thọ và Đức Lĩnh); có 07 trường tiểu học và 12 trường mầm non; có 01 Trung tâm y tế cấp huyện và 10 trạm y tế cấp xã, thị trấn.
2.4. Dân cư, dân tộc, tôn giáo
Tính đến năm 2023, tổng dân số toàn huyện có khoảng 30.000 người, chủ yếu là người Kinh (Việt); mật độ dân số khoảng 46 người/km2.
Dân tộc: Toàn huyện có 87 hộ với trên 330 nhân khẩu là người dân tộc Lào, chủ yếu sống tại xã Quang Thọ. Ngoài ra còn có một số cá nhân là người các dân tộc thiểu số do kết hôn hoặc những lý do khác đã chuyển đến định cư, sinh sống trên địa bàn huyện.
Tôn giáo: Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 1.100 người theo đạo Thiên Chúa, chủ yếu sinh sống tại các xã Quang Thọ, Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang và Đức Hương, Đức Liên.
Vũ Quang hiện có 02 giáo xứ Vĩnh Hội (Quang Thọ) và Mân Côi (Thọ Điền); có 06 giáo họ gồm Yên Thịnh và Yên Hội (xã Quang Thọ); Bồng Sơn (xã Đức Hương); Vĩnh Sơn, Vĩnh Điền (xã Thọ Điền) và Vĩnh Quang (Thị trấn Vũ Quang).
Bên cạnh đạo Thiên Chúa, một bộ phận người dân trên vùng đất Vũ Quang theo đạo Phật và có cảm tình với giáo lý Phật giáo. Hiện nay trên địa bàn huyện có một số ngôi chùa như: Ngọc Quy và chùa Phượng Hoàng (tại xã Đức Giang); chùa Sim (tại xã Đức Hương).
2.5. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Lịch sử vùng đất Vũ Quang gắn liền với quá trình khắc phục những khó khăn của tự nhiên để lập làng, định xã. Cùng với đó là quá trình đấu tranh quyết liệt để chống lại kẻ thù ngoại bang, qua đó viết nên những trang hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Vùng đất Vũ Quang từng là phên dậu của căn cứ Đỗ Gia (Hương Sơn), góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống giặc Minh ở thế kỷ XV. Cuối thế kỷ XVIII, khi tiến quân ra Bắc để đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, nhiều toán quân của Hoàng đế Quang Trung đã hành quân dọc theo tuyến đường thượng đạo miền Tây Hà Tĩnh, nhân dân trên vùng đất Vũ Quang đã có những đóng góp nhất định cho quân đội Tây Sơn trong công cuộc tiêu diệt thù trong, giặc ngoài để bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Cuối thế kỷ XIX, Vũ Quang là căn cứ địa trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp do Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng lãnh đạo. Cuộc kháng chiến kéo dài suốt 10 năm (1885-1895), người dân trên vúng đất Vũ Quang đã hăng hái tham gia nghĩa quân của Phan Đình Phùng ngay từ những ngày đầu. Nhân dân không kể ngày đêm tham gia xây dựng căn cứ, xây thành, đắp lũy; đóng góp lương thực, thực phẩm và che chở, bao bọc cho nghĩa quân. Nhiều địa danh trên địa bàn xã hiện nay còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa này như: Căn cứ Thượng Bồng – Hạ Bồng; căn cứ Trùng Khê – Trí Khê; căn cứ trung tâm Vụ Quang (xã Quang Thọ); Đường hào cụ Phan (ở Đức Bồng); khe Lò rèn, khe Nhà Trận (ở Đức Hương); Bãi Tập (Đức Lĩnh); khe Tây (ở Thọ Điền)…
Năm 1930, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời, nhiều chi bộ Đảng đã được thành lập trên vùng đất Vũ Quang, trong đó Chi bộ Mai Hoa (Đức Giang) là một trong những chi bộ Đảng ra đời sớm nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt với chính quyền thực dân, phong kiến giành quyền lợi kinh tế, chính trị. Trong những năm 1944-1945, Đội du kích Tràng Sim được thành lập ở vùng đất xã Thọ Điền ngày nay và trở thành một trong những đội vũ trang đầu tiên của Hà Tĩnh, là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 trên địa bàn 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giai đoạn 1946-1952, Vũ Quang được chọn là vùng ATK (An toàn khu) để sản xuất giấy bạc tài chính và một số loại vũ khí cung cấp cho các chiến trường ở Khu V. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vũ Quang trở thành “cầu nối” giữa hậu phương và tiền tuyến, là nơi đặt các trạm trung chuyển lương thực và vũ khí ra mặt trận, góp phần không nhỏ vào những chiến thắng oanh liệt, vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
* Một số lễ hội và hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu
– Ngày giỗ Bà Lê Triều Hoàng Hậu Ngô Thị Quận Quân được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch tại Đền Vại và Lễ “Lục ngoạt” tổ chức vào ngày Rằm tháng 6 (15/6 âm lịch) tại điện Cơn Dênh (xã Ân Phú) để tế 12 vị thần nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và Nhân dân được bình an, hạnh phúc.
– Lễ hội đua thuyền truyền thống tổ chức hằng năm tại Đập Dâng, trên sông Ngàn Trươi (thị trấn Vũ Quang).
– Hát dân ca ví dặm, hát tuồng bội, hát đối, múa tầm vông… là những hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của người dân Vũ Quang. Họ hát trong các dịp lễ hội, trong lao động sản xuất.
Một hình thức sinh hoạt văn hóa khác của người dân Vũ Quang chính là “phong tục uống nước chè xanh”. Khi một gia đình nấu ấm nước chè xanh sẽ mời những gia đình khác trong xóm đến cùng uống. Bên ấm nước chè, nhiều vấn đề trong lao động sản xuất được đưa ra bàn luận; những kinh nghiệm quý trong cuộc sống được truyền cho nhau, đồng thời thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm…
* Một số làng nghề nổi tiếng
Ở Vũ Quang trước đây cũng có một số làng nghề nổi tiếng như: Làng gốm Cẩm Trang và làng gốm Hợp Phát thuộc xã Đức Giang. Gốm ở Cẩm Trang bao gồm các loại sành nhỏ như: bình, vò, chậu liển, hũ, vại… dùng trong gia đình. Đồ gốm Cẩm Trang từng nổi tiếng một thời không chỉ ở trên địa bàn Vũ Quang mà còn ra nhiều vùng miền khác.
Hiện nay, do tác động từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên nghề làm đồ gốm đã bị mai một và không còn được duy trì; sản phẩm nổi tiếng một thời của làng gốm Cẩm Trang chỉ tồn tại rải rác trong một bộ phận Nhân dân, nhất là ở các xã Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú, Đức Bồng…
* Danh nhân nổi tiếng quê Vũ Quang hoặc gắn liền với Vũ Quang
+ Bốn trạng nguyên: Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Trần Thành Đốn, Trần Tiết Việt hiện đang được thờ tự tại xã Ân Phú
+ Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc (quê xã Ân Phú), là phu quân của bà Ngô Thị Ngọc Điệp được Nhà Lê ban quốc tính họ Lê. Đời vua Khải Định có sắc phong thần hiệu là “Tiền Lê Đô chỉ huy sứ Lê Ngọc Xán“.
+ Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895), quê huyện Đức Thọ, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX với địa bàn hoạt động chính tại vùng đất Vũ Quang.
+ Cao Thắng (1864-1893), quê huyện Hương Sơn, là phụ tá đắc lực của lãnh tụ Phan Đình Phùng trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX với địa bàn hoạt động chính tại Vũ Quang.
+ Cù Huy Cận(1919-2005), quê tại xã Ân Phú. Ông là nhà cách mạng tiền bối của Đảng, nhà thơ nổi tiếng, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chù Huy Cận là nhà thơ Việt Nam đầu tiên vinh dự được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Thơ thế giới và được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1), Huân Chương Sao Vàng và nhiều Huân chương cao quý khác…
* Di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu
Vũ Quang hiện có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa khá đa dang, trong đó có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia, 15 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và nhiều di tích lịch sử khác trải đều ở các địa phương. Đáng chú ý như:
– Di tích lịch sử cấp quốc gia – “Khu căn cứ kháng chiến của Phan Đình Phùng tại Vụ Quang” (xã Quang Thọ).
– Các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh gồm có:
– Đền Vại, Nhà thờ Nguyễn Tính (xã Ân Phú).
– Đền Thánh Võ và Nhà thờ họ Phạm (xã Đức Giang).
– Đền Lễ Động (xã Đức Lĩnh).
– Đền thờ Đức Thánh Hai, Nhà Lê Hữu Chỉ (xã Đức Bồng).
– Đền Phùng, Đền Nhà Ông, Nhà thờ họ Lê (xã Đức Hương).
– Đền Thượng Trụ, Đền Bạch Y Công chúa (xã Đức Liên).
– Đền Cửa Rào (xã Quang Thọ)…
– Đền Đoàn Văn Truyền (xã Hương Minh).
* Danh lam, thắng cảnh và điểm đến trải nghiệm
– Vườn Quốc gia Vũ Quang – Vườn di sản ASEAN.
– Thác Rồng, thác Thang Đày, thác Khe Táy…
– Điểm du lịch Hoa Thị (xã Thọ Điền).
– Các cụm, tuyến nông thôn mới tại các xã Đức Lĩnh, Ân Phú, Thọ Điền…
* Một số công trình kiến trúc tiêu biểu
– Hồ Ngàn Trươi – hồ thủy lợi có dung tích lớn thứ 3 của cả nước.
– Cụm Tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân.
– Nhà máy sản xuất gỗ MDF – HDF Thanh Thành Đạt.
– Trung tâm điều hành thủy điện Bắc miền Trung.
3. Thành tựu nổi bật sau hơn 23 năm thành lập huyện
Sau hơn 23 năm nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đến nay vùng đất Vũ Quang đã có những đổi thay kỳ diệu, với những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Từ một vùng quê với trăm bề những khó khăn, vất vả, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,7 triệu đồng/người/năm; toàn huyện chưa có một km đường nhựa, không có một chiếc máy điện thoại; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu gần như chỉ là con số không tròn trỉnh… Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao xuất hiện; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư khá bài bản, nhất là hệ thống giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa đến tận thôn xóm; sóng điện thoại, Internet, hệ thống loa truyền thanh không dây đã bao phủ khắp toàn huyện; 100% trạm y tế và 90,32% số trường học trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, thị trấn Vũ Quang tưng bước mang dáng dấp của một đô thị hiện đại; nhiều công trình, dự án trọng điểm mang tầm cỡ khu vực, quốc gia xuất hiện ở Vũ Quang như: Công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Nhà máy gỗ MDF-HDF Thanh Thành Đạt, Nhà điều hành thủy điện Bắc miền Trung…
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật, đến nay 100% số xã trong toàn huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có trên 55% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Vũ Quang trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Vũ Quang đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh như cam, bưởi, hồng, mật ong, mật mía, tinh nghệ…; nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chú trọng, đội ngũ cán bộ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho huyện, Vũ Quang còn là nơi đào tạo, rèn luyện cho một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các sở, ban, ngành. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, củng cố, luôn đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình mục tiêu lớn của cấp trên và của mỗi địa phương, đơn vị.
Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, an ninh tôn giáo được đảm bảo, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho sự phát, thu hút đầu tư, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, từng bước đưa Vũ Quang trở thành miền quê đáng sống.