Vào khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 dương lịch hằng năm, người dân thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang lại hối hả bước vào mùa thu hoạch hồng giòn. Từ loài cây được trồng nhằm tạo bóng mát, đến nay, hồng Yên Du đã trở thành cây “đặc sản” giúp nông dân khấm khá từng ngày.
Hồng giòn không hạt Yên Du được trồng tại địa phương từ hàng trăm năm trước. Vùng này ngày nắng nóng, đêm se lạnh, thích hợp cho cây sinh trưởng. Toàn thôn có 80 hộ trồng trên khoảng 40 ha. Nếu ươm giống trồng tại nơi khác, cây không hợp thổ nhưỡng, vẫn ra hoa đậu quả, nhưng ruột sẽ mất vị ngọt thanh, giòn vốn có.
Đặc biệt, năm 2021, hồng Yên Du được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là niềm tự hào lớn giúp người trồng hồng nơi đây quyết tâm phát triển loại cây này bền vững, đem lại những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.
Quả hồng không hạt nên không thể ươm giống. Phương pháp chiết hay ghép cành cũng kém hiệu quả. Vì vậy, các chủ vườn thường chặt rễ tách ra từ cây mẹ, sau đó đào hố sâu khoảng nửa mét, đổ phân chuồng xuống dưới để trồng.
Cây sau 5 năm cho quả bói, đến năm thứ 10 mới bắt đầu thu hoạch đại trà. Trung bình mỗi cây tán rộng hơn 4 m, cao 5-10 m, cho 2-3 tạ quả. Cây càng nhiều tuổi thì sản lượng và năng suất càng cao, có gốc đạt hơn 5 tạ quả. Vì thế, chủ vườn chỉ thay mới khi cây bị gãy hoặc bật gốc do thiên tai.
Hồng Yên Du dễ trồng, công chăm sóc ít, người dân thường trồng tại các vườn đồi thoải, xen với các cây ăn quả khác như cam, chanh, bưởi, mít… Loại cây này hầu như ít bị sâu bọ tấn công, do đó hàng năm chỉ bón phân chuồng dưới gốc để cung cấp sức đề kháng, vào mùa đông cây rụng hết lá để lấy chất dinh dưỡng nuôi thân. Tháng 2 cây ra hoa, tháng 8 thì đậu quả.
Quả hồng sau khi hái từ cây xuống có vị chát. Được người dân rửa sạch quả rồi đổ vào chậu nhôm, múc nước lạnh ngâm hồng trong hai ngày một đêm. Sau thời gian này, chất mủ nhựa sẽ thoát ra ngoài thông qua phần cuống, từ đó ruột bên trong sẽ kết tủa đường và mang lại vị ngọt đặc trưng.
Hồng Yên Du có vị ngọt đặc trưng, đặc biệt là rất giòn và không có hạt. Điều này đã tạo nên thương hiệu riêng cho giống hồng này, ăn một lần là du khách ấn tượng, nhớ mãi.
Từ loài cây được trồng nhằm tạo bóng mát, đến nay hồng Yên Du đã trở thành cây hàng hóa giúp nông dân làm giàu. Mỗi vụ, trung bình một gia đình thu 100-200 triệu đồng, nhiều hộ sở hữu diện tích lớn, lời 300 triệu đồng một năm.
Để giúp người dân xây dựng thương hiệu hồng Yên Du, xã Đức Lĩnh đã hỗ trợ lập tổ hợp tác hồng với 10 thành viên. Thời gian tới địa phương sẽ quy trình hóa các khâu trong sản xuất như đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản vật, giúp các hộ dân trồng hồng có thêm thu nhập.
Hồng Yên Du được người dân Vũ Quang bán cho thương lái trong tỉnh, nhập tại các chợ trên địa bàn hoặc gửi vào miền Nam, ra Hà Nội,… tiêu thụ.
Cây Hồng đang từng bước giúp bà con Nhân dân thôn Yên Du ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào phong trào xoá bỏ vườn tạp xây dựng nông thôn mới tại địa phương.