Làng gốm Cẩm Trang tồn tại khoảng từ thế kỷ XVII đến những năm 30 của thế kỷ XX, do một bộ phận cư dân miền Bắc di cư lập nên. Gốm Cẩm Trang tuy không thực sự tinh xảo và khá đơn điệu về kiểu dáng nhưng những hoa văn đắp nổi hình các con vật, hoa văn sóng biển… và độ bóng, màu sắc của sản phẩm đã thể hiện sự cần cù, độ khéo léo của bàn tay, khối óc người nông dân Cẩm Trang. Những vật dụng dùng cho gia đình cũng phản ánh tập quán sinh hoạt tự cung, tự cấp thời xưa của người dân nơi đây.
Từ Đức Thọ, chúng ta có thể đi theo đường Tỉnh lộ 5 đến chợ Bộng, men theo con đường liên xã khoảng 5km bên bờ tả ngạn sông Ngàn Sâu là đến làng gốm cổ Cẩm Trang (hoặc từ bến Tam Soa – Linh Cảm ngược sông Ngàn Sâu qua xã Ân Phú đến thác Trành là địa phận Cẩm Trang). Ngày nay, Cẩm Trang thuộc xã Đức Giang, huyện Vũ Quang. Làng gốm cổ đối diện làng Lai Đồng, cũng là một ngôi làng cổ bên hữu sông Ngàn Sâu được biết đến với xưởng chế tác đồ đá mới Rú Dầu cách đây 5000 năm và địa điểm phát hiện đồ đồng Rú Cấm thuộc văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2000 năm. Làng gốm cổ Cẩm Trang nằm trong địa giới hành chính xã Đức Giang, huyện Vũ Quang có hơn 500 năm tuổi và nổi tiếng qua các sản phẩm gốm khá độc đáo như đồ thờ, đồ dân dụng qua nhiều thế kỷ là mặt hàng quen thuộc với người dân Nghệ Tĩnh.
Gốm Cẩm Trang là sự kết hợp hài hòa của năm yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của ngũ hành. Đó là một dòng khí lưu hành trong vũ trụ tuần hoàn theo luật sinh – khắc và biến hóa ra thành vạn vật, sản phẩm gốm Cẩm Trang thể hiện nhịp điệu ngũ hành. Trong sản phẩm gốm Cẩm Trang, kim loại ngâm trong xương tạo nên bộ khung, tre, nứa, gỗ sinh ra ngọn lửa, tác nhân của sự bền chắc trong xưởng gốm, sự mịn màng của da gốm; nước gộp với đất để tạo dáng gốm minh họa các biểu tượng của tâm hồn, lửa là cha tạo ra phẩm chất, sắc thái của gốm, đất là mẹ tạo ra xương thịt của gốm. Vậy là năm nhân tố của ngũ hành đã được con người nhào luyện, biến hóa theo nhịp điệu tương khắc để tạo thành những sản phẩm tuyệt vời gợi nên khát vọng sống. Người thợ Cẩm Trang xưa thường chọn một ngày “cát nhật” để làm lễ “ dựng khoán”( mở lò) cầu Tổ sư có được sự hanh thông của ngũ hành. Những người thợ Cẩm Trang đã làm cho đất hóa tâm hồn, trở nên có giá trị, chính họ đã lẫn vào nhịp điệu của ngũ hành để lưu giữ và phát triển nghề gốm tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống hàng ngày. Nghề làm gốm là nghề thủ công khó nhọc đòi hỏi tâm huyết và lành nghề của người thợ. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn: làm đất và men, tạo hình, phơi sấy, sửa hàng mộc, xếp vào lò và đốt lò.
Thông thường, gốm được chia thành ba loại chính dựa trên cơ sở lấy chất liệu và độ nung của xương đất làm tiêu chí, đó là gốm đất nung, sành, sứ. Chất liệu và độ nung của ba loại này tương đối rõ ràng. Gốm đất nung được làm từ đất sét thường, nhiệt độ nung trung bình từ 600 đến 700°c. Một số sản phẩm gốm Cẩm Trang đã được phát hiện mới chỉ đạt đến gốm đất nung, đó là do chúng được đặt phía sau lò, nhiệt không đủ để gốm chín (tức gốm sành). Sản phẩm này thường mềm, chất lượng thấp ngoài ý muốn của người thợ. Gốm sành cũng làm từ đất sét thường (để cho loại sành nâu) hoặc từ đất sét trắng (cho loại sành trắng hoặc sành xốp), nhiệt độ trung bình đạt từ 1000 đến 11000C thậm chí 12500C tùy theo cấu tạo của lò nung và thành phần của xương đất chịu được lửa cao hay thấp. Sành lại được chia thành hai dạng: Sành cứng (hay còn gọi là sành mịn) và sành mềm (còn gọi là sành xốp). Gọi là sành cứng hay sành mịn là do khi xương đất nung ở nhiệt độ cao đã bắt đầu nóng chảy (tiêu kết), tạo kết dính hạt mịn và rắn chắc như đá, không bị thấm nước.
Còn sành xốp do xương đất mới bắt đầu kết dính nên chưa thật chín nên bị ngấm nước. Sản phẩm gốm Cẩm Trang có cả hai loại sành này nhưng theo nghệ nhân địa phương thì xương đất nung tới nhiệt độ 12000C thì sản phẩm mới thực sự chín tức chuyển thành sành cứng (sành mịn). Còn sứ ở sản phẩm gốm Cẩm Trang ít thấy, chỉ có những năm 60 của thế kỷ trước một vài hộ nung vài lò. Các sản phẩm này xương gốm làm từ đất sét trộn với cao lanh. Nhiệt độ lò sứ thường cao hơn lò sành, nằm từ khoảng 1280 đến 13500C, thậm chí 14000C. Do thiếu kinh nghiệm về nung cũng như tạo dáng sản phẩm nên đồ sứ Cẩm Trang chất lượng không cao, sớm ngừng sản xuất. Dựa vào các sản phẩm và các mảnh gốm còn vương vãi ven sông Ngàn Sâu, ngoài ba loại gốm chính kể trên, gốm Cẩm Trang còn có loại nửa đất nung, nửa sành.
Sản phẩm tùy từng giai đoạn lịch sử mà có sự không giống nhau. Sản phẩm gốm xưa được các nghệ nhân dân gian tài hoa khéo léo tạo tác thủ công mộc mạc nhịp nhàng theo sự biến đổi của thời gian tạo ra những sản phẩm gia dụng nhưng đầy chất nghệ thuật. Trang trí gốm Cẩm Trang là những hình khắc vạch: đường tròn đồng tâm, hình sin lượn sóng, hình răng lược gợi cho người ta nghĩ đến trang trí của đồ gốm di chỉ hậu kỳ đồ đá mới Thạch Lạc cách ngày nay nhiều thiên niên kỷ. Đây là những sản phẩm kích thước nhỏ như: hũ, bình, vò, phôm… xương gốm thường dày, men gốm màu xám… có niên đại sớm, chủng loại phong phú, thường được tìm thấy ở xóm Dựa và xóm Đại. Ngược lại, các sản phẩm lớn như chum, vại, trạ… thường không có hoa văn trang trí, men gốm màu da lươn pha nâu đỏ, xương gốm mỏng có niên đại muộn hơn khá giống với gốm sành Thanh Hóa hiện có bán trên thị trường, thường tìm thấy ở xóm Cẩm Trang và một số địa điểm giáp với Đức Lĩnh. Những sản phẩm ấy hiện nay rất nhiều, phần lớn là kết quả sản xuất của Xí nghiệp gốm sành Cẩm Trang được thành lập và hoạt động vào những năm 60-70 của thế kỷ XX.
Việc làng gốm Cẩm Trang nằm gần di chỉ đồ đồng Rú Cấm và di chỉ xưởng chế tác đồ đá Rú Dầu (Đức Đồng) và hoa văn trang trí trên gốm Cẩm Trang giống đồ gốm di chỉ hậu kỳ đồ đá mới đến kỳ lạ từ từng họa tiết trang trí đến vị trí sắp xếp các họa tiết trên đó gợi mở cho chúng ta những giả thiết bất ngờ thú vị. Phải chăng dưới lớp gốm Cấm Trang như chúng ta từng biết lâu nay, trước đó có một lớp gốm do người tiền sử tạo ra . Phải chăng người tiền sử đã tìm thấy ở đây nguồn đất sét tốt để làm gốm và sau này những người gốc làng gốm Thổ Hà ngoài Bắc đã di cư vào Nghệ Tĩnh và lần mãi tới đây (Đức Giang ngày nay) để làm gốm. Điều quan trọng đầu tiên để hình thành các lò gốm là nguồn đất sét. Những trung tâm sản xuất gốm thời cổ thường sản xuất trên cơ sở nguồn đất tại chỗ. Và ngoài việc đến đây mang cả truyền thống ngoài Bắc vào như kỹ thuật, bí quyết nghề, công cụ và cả tín ngưỡng thờ tổ nghề, tại đây trong quá trình sản xuất họ đã bắt gặp một số đồ dùng sinh hoạt vỡ hay còn nguyên trên đó có trang trí nhiều hoa văn đẹp do người tiền sử để lại và họ đã bắt chước tạo ra các hoa văn đó trên đồ gốm của mình.
Nghề làm gốm ở đây được du nhập từ Bắc vào khoảng thế kỷ XV. Xưa kia quang cảnh trên bến dưới thuyền khúc sông Ngàn Sâu chảy qua làng Cẩm Trang khá nhộn nhịp. Gốm sau khi ra lò được vận chuyển xuống chất đầy thuyền. Từ đây, gốm ngược xuôi theo sông rạch đến các chợ quê (Chợ xưa thường nằm ven bờ các con sông) ở Phố Châu, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà….(Hà Tĩnh), rồi đến Anh Sơn, Hưng Nguyên (Nghệ An)… cung cấp đủ mặt hàng thoả mãn lòng dân. Trong nhiều thế kỷ phát triển thịnh vượng được minh chứng qua các bãi sành rộng, dài hàng chục mét, dài hàng kilomet chạy dọc bờ sông và ký ức của nghệ nhân cao tuổi, thì cũng giống một số làng gốm khác trong cả nước đến đầu và giữa thế kỷ XX nghề làm gốm bắt đầu lụi tàn, thời vàng son của làng gốm Cẩm Trang không còn nữa. Việc sản xuất bây giờ chỉ dừng lại ở gạch ngói phục vụ xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng và dân dụng. Các sản phẩm gốm gia dụng thường lưu lại tại các nhà dân.
Giờ đây, nhắc đến Cẩm Trang, nhiều người ở vùng hạ Hương Sơn, Vũ Quang đều nhớ về một ngôi làng ngày đêm rộn rã tiếng nệ đất, tiếng người mua bán…