Nhà Lê Hữu Chỉ là di tích lịch sử văn hóa cổ có niên đại trên 100 năm, tọa lạc ở Rú Cọng, trong khuôn viên rộng thoáng, thuộc xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê là ngôi nhà 5 gian và một nhà ngang lợp tranh, nay được tu bổ, tôn tạo lại thành ngôi nhà 3 gian lợp ngói máy.
Nhà Lê Hữu Chỉ ngoảnh mặt về hướng Tây lệch Bắc là một công trình kiến trúc gỗ dân gian, diện tích mặt bằng 48m2 (8m x 6m) chia làm 3 gian, 2 hiên hồi.
Hệ mái ngôi nhà hiện nay được cấu thành bởi ngói máy đất nung, rui, mèn và hoành. Các hoành được đặt trên đầu rường và đầu cột theo chiều dọc ngôi nhà.
Tứ phía nhà Lê Hữu Chỉ ốp ván bao quanh chủ yếu có công dụng che chắn. Mặt tiền trổ cửa chính kiểu bức mành. Ba phía còn lại cũng có trổ cửa thoát hiểm, xung quanh đào hào thoát hiểm, có thể rút lui nhanh chóng, an toàn, phòng trường hợp tập kích bất ngờ. Nhà được bố trí giá sách, bàn, ghế, tủ, bục, giường… để Phan Đình Phùng sử dụng trong thời gian ở đây.
Lê Hữu Chỉ thuộc chi đệ tam của dòng họ Lê – Thượng Bồng. Dòng họ này ở thôn Phù Dĩ, xã Bất Quần, huyện Lôi Dương (Thiệu Hoá, Thanh Hóa) vào Châu Diễn, Nghệ An rồi lên đất La Bồng (sau này là Thượng Bồng) đến nay có đến 19 đời. Đến cuối thế kỷ 19, cùng với nhân dân các tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình, xã Thượng Bồng và các xã lân cận: Hạ Bồng, Yên Duệ, Phương Duệ, Lệ Động, Hòa Duyệt… dòng họ Lê – Thượng Bồng có nhiều người tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc về lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại căn cứ Thượng – Hạ Bồng. Tại đây, được sự đồng ý của lý trưởng Lê Lung, Phan Đình Phùng được bố trí nơi ở và làm việc tại nhà Lê Hữu Chỉ ở Rú Cọng. Lê Hữu Chỉ là người khá khá dã so với người dân trong vùng, có học thức, lại có tinh thần yêu nước. Khi Phan Đình Phùng thấy Rú Cọng có vị trí thuận lợi, an toàn để đóng đại bộ chỉ huy, ông lấy làm hài lòng và sẵn sàng dọn nhà mình làm nơi ở và làm việc cho Phan Đình Phùng. Hành động này đối với ông như một đóng góp có ích cho cuộc khởi nghĩa. Từ đây, ông trở thành thư ký, phục vụ Phan Đình Phùng.
Đến năm 1895, Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh. Những thủ lĩnh cuối cùng một phần bị tử trận, phần không chịu được quá lâu nơi rừng sâu nước độc, hoặc bị bắt rồi giết. Đến đây, khởi nghĩa Hương Khê tan rã.
Trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, nhà của Lê Hữu Chỉ chính là nơi đặt sở chỉ huy căn cứ Thượng – Hạ Bồng của cuộc khởi nghĩa. Tuy bị thất bại, song đây là cuộc khởi nghĩa đỉnh cao nhất trong phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung; đã khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân và trở thành một trong những bước đệm quan trọng cho sự phát triển của đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc ta.
Di tích Nhà Lê Hữu Chỉ đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh vào năm 2013.