Sản phẩm đặc trưng

1. Cam Vũ Quang, là giống cam có nguồn gen quý, vỏ vàng, mọng nước, có vị thanh ngọt, hương thơm dịu, mùi vị đặc trưng khác biệt, hấp dẫn. Một số loại cam nổi tiếng đang trồng tại huyện Vũ Quang như: Cam chanh (giống cam xã Đoài); cam V2 (Valencia 2); Cam bù Hà Tĩnh. Với lợi thế diện tích đất vườn đồi lớn, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách kích cầu đa dạng… tất cả các yếu tố đó hợp lại đã đưa huyện Vũ Quang trở thành vựa cam của tỉnh Hà Tĩnh, với 2.300ha, trong đó có gần 1.700ha cho thu hoạch. Hơn thế, việc đầu tư bài bản, hướng tới nền sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn về môi trường đang ngày càng được người dân và chính quyền địa phương nơi đây chú trọng triển khai thực hiện nhằm hướng đến một nền sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Vũ Quang đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình trồng cam VietGap, cam hữu cơ, đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu “Cam Vũ Quang”, mở ra hướng phát triển bền vững cho loài cây có nhiều thế mạnh này.

 2Hồng Yên Du, được xem là thức quà quý của huyện Vũ Quang, không còn quá lạ lẫm với người dân nơi đây, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp nên trái hồng giòn ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh có những vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Hồng có rất nhiều nơi trồng nhưng vị hồng ở Yên Du nó khác hơn nhiều hồng ở các nơi khác. Quả hồng khi hái ở trên cây còn có vị chát để ăn được phải ngâm hoàn toàn bằng nước lạnh, không sử dụng hóa chất để kích thích quả chín. Mỗi ngày thay nước một lần, nếu không thịt quả sẽ có vị chát, khoảng 2 ngày 2 đêm vớt quả ra để ráo là ăn được. Hồng Yên Du quả không lớn, khi chín ruột chuyển màu vàng đậm, vị ngọt, thơm và rất giòn, lại không có hạt như những loại hồng khác nên được rất nhiều người ưa thích. Ngoài ra, chính khí hậu, chất đất và nguồn nước ở Yên Du đã khiến cho những quả hồng nơi đây có vị giòn đặc trưng mà những vùng miền khác không có được. Hiện nay, toàn thôn Yên Du có khoảng 40 ha đất trồng hồng, thuộc 80 hộ. Hồng Yên Du được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là niềm tự hào lớn giúp người trồng hồng nơi đây quyết tâm phát triển loại cây này bền vững, đem lại những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng. 

3. Mật ong rừng Vũ Quang, Với lợi thế trên 54 ngàn ha đất rừng, người dân Vũ Quang có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Trong đó, nuôi ong lấy mật đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Với hình thức nuôi tự nhiên, được lấy rất cầu kỳ, theo quy định chặt chẽ về màu sắc (màu cánh dán), tỷ lệ phần trăm các thành phần trong mật phải bảo đảm thì mới quay mật. Khi kiểm tra cầu ong trong mỗi tổ, thấy màu mật chuyển sang màu cánh dán, người nuôi ong sẽ sử dụng máy xét nghiệm chất lượng mật với các tỷ lệ gồm đường, nước, mật theo đúng quy chuẩn mới tiến hành lấy mật. Sau thu hoạch được bảo quản theo đúng quy trình, sản phẩm mật ong Vũ Quang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mật ong Vũ Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu, nên đến nay việc nuôi ong đã phát triển rộng khắp. Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.100 hộ nuôi ong với hơn 8.000 đàn, HTX Ân Phú xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Ân Phú” và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Nuôi ong theo hướng VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ là hướng đi mà người nuôi ong ở huyện Vũ Quang đang tích cực thực hiện, nhằm khai thác tốt tiềm năng của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

4. Mật mía Thọ Điền, Nghề ép mật mía ở xã Thọ Điền đã có hơn 50 năm nay. Hiện, toàn xã có khoảng 100 hộ trồng mía, với diện tích khoảng 30ha. Mật mía từ xa xưa đã được biết đến là loại gia vị không chỉ góp phần tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn, mà còn là “vị thuốc” bổ, cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cải thiện nhiều cho sức khỏe. Để có những giọt mật mía thơm ngon, sánh mịn phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu và chắt lọc mật. Nước ép mía sau khi lọc bỏ tạp chất, sẽ được nấu trong một chiếc chảo lớn. Nghề làm mật mía mang lại thu nhập khá cho người dân, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Để nghề ép mật không bị mai một, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân”. Mật mía Thọ Điền đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

5. Tinh bột nghệ Hải Lợi, tinh bột nghệ được xem như vị thần dược giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh đường ruột, điều trị viêm khớp, đau dạ dày, bệnh trực tràng, tá tràng, nó cũng giúp giải độc gan, ngăn ngừa bệnh ung thư, rối loạn kinh nguyệt và máu tụ, ngoài ra tinh bột nghệ còn giúp làm lành vết sẹo nhanh chóng, chăm sóc da và ngăn ngừa lão hóa cũng như hỗ trợ điều trị tàn nhang, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh…

Quy trình sản xuất tinh bột nghệ không có gì đặc biệt nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẩn. Mỗi mẻ bột, người làm phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, sơ chế thật kỹ và tiến hành chiết xuất đảm bảo đúng tỷ lệ, quy trình. Nghệ tươi sau khi rửa sạch đất được cạo sạch vỏ rồi đưa vào máy xay ép, tách bã trong khoảng 10 phút rồi đưa vào hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất. Sau khi để bột nghệ lắng xuống trong khoảng 7 – 8 tiếng thì tiếp tục lọc thêm nhiều lần nữa để loại bỏ tạp chất, đặc biệt là loại bỏ dầu nghệ. Tiếp đó, các mẻ nghệ sẽ được đưa vào sấy lạnh trong khoảng thời gian 3 – 5 ngày (nhiệt độ 19 – 20 độ C) để tinh bột nghệ khô từ từ mà vẫn đảm bảo hương vị đặc trưng và chất dinh dưỡng vốn có. Năm 2020, sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

6. Chè xanh hái búp Thọ Điền, cùng với cây ăn quả, cây mía, thì cây chè được xã Thọ Điền xem là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.

Để khuyến khích mở rộng diện tích trồng chè và đảm bảo việc tiêu thụ chè cho người dân, từ năm 2015, xã Thọ Điền đã thành lập HTX dịch vụ chè Sơn Thọ với 12 thành viên tham gia. HTX ra đời đã giúp bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP chè sạch, chuyển phương thức chế biến từ chảo gang thủ công sang chảo quay bằng điện để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn xã Thọ Điền hiện có gần 30 ha chè, trong đó có 25 ha cho thu hoạch, sản lượng chè khô hàng năm khoảng 22 tấn và đã có nhiều hộ đứng ra thu mua chè của người dân để chế biến, nhờ vậy việc tiêu thụ chè đã cơ bản được giải quyết, tuy giá bán chưa cao nhưng cũng đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho khá nhiều lao động địa phương.