Mật mía là một trong những đặc sản của xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mật mía từ xa xưa đã được biết đến là loại gia vị không chỉ góp phần tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn, mà còn là “vị thuốc” bổ, cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cải thiện nhiều cho sức khỏe.
Trước đây, sau khi thu hoạch mía ở ngoài đồng về, người ta sẽ làm sạch, chặt khúc rồi ép lấy nước, nước mía sẽ được cho vào thùng đựng sẵn và nấu khoảng 4 đến 5 tiếng. Sau khi nấu xong, mật sẽ được cho vào thùng lớn, lóng sạch tạp chất để cho ra thành phẩm cuối cùng. Mía được ép bằng cách cho vào cối ép nước, mà tiếng địa phương gọi là Che. Khi ép mật phải có hai người cố định hai bên cối chuyên bỏ cây mía vào và kéo bã ra ngoài. Và chú trâu sẽ kéo cho Che hoạt động hết công suất để cho ra mật. Giờ đây, khoa học kỹ thuật phát triển hơn, bà con làm mía đã có thể dùng máy ép, mô tơ để tăng năng suất, tiết kiệm sức lực.
Năm 2020, hợp tác xã dịch vụ mật mía Sơn Thọ đã được cấp chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh. Từ đó, mật mía Thọ Điền ngày càng nổi tiếng hơn. Giá bán ngày trước chỉ có 30.000đồng/lít, sau khi là sản phẩm OCOP, giá bán từ 45.000/lít, có thời điểm tăng lên 60.000đồng/lít, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân làm mật mía.
Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ có nhà xưởng rộng khoảng 150 m2 với đầy đủ các khu vực bếp nấu, khu vực sơ chế, tập kết nguyên liệu, khu vực bán hàng và khu vực đóng gói. Công suất ép mỗi ngày đạt 3 – 4 tấn mía nguyên liệu, tương đương với hơn 300 lít mật mía thành phẩm. Các hộ gia đình đã có thu nhập trung bình trên dưới 20 triệu đồng/ tháng, có những hộ lên đến 40 triệu. Sản phẩm phụ từ cây mía như: lá, ngọn và bã mía ép lại được tận dụng làm nguồn thức ăn quý giá cho trâu bò trong những ngày đông giá.
Tính đến nay, toàn xã Thọ Điền có trên 100 hộ gia đình làm mật mía, trên diện tích 20ha, đạt năng suất 160 tấn mật mía/năm. Toàn xã sản xuất gần 27 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 150 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân khoảng 4,5 tỷ đồng. “Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ 300.000 đồng/sào đối với các hộ gia đình theo nghề làm mật mía. Bởi thực tế cho thấy việc sản xuất mật mía giúp mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với các cây hoa màu khác như lúa, ngô, khoai, lạc, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả cho khu vực miền núi”.
Với quy trình sản xuất không quá phức tạp, đầu ra tương đối ổn định, đem đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân cùng các chính sách khuyến khích phát triển của địa phương, ngành nghề truyền thống này sẽ tiếp tục được phát huy ngày càng mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân làng mật mía Thọ Điền.