Sử Đức Huy (1360 – 1430), tự là Huy Hiển, là con của Sử Hy Nhan. Ông là một công thần khai quốc thời Lê sơ, có công trong khởi nghĩa Lam Sơn nên được vua Lê Thái Tổ ban quốc tính họ Lê.
Khoa thi năm Tân Dậu (1381) đời Trần Phế Đế (1377- 1388), ông đỗ trạng nguyên. Sau khi đỗ trạng nguyên, Sử Đức Huy mong muốn đem tài năng để phó vua giúp nước, nhưng lúc này tất cả quyền lực nằm trong tay Hồ Quý Ly nên mong muốn chính đáng đó của ông không thành.
Khi nhà Hồ lên cầm quyền, ông không hợp tác với Hồ Quý Ly. Quân Minh sang xâm lược, chúng tìm cách dụ dỗ mua chuộc những ai có tài có đức, giỏi giang xuất chúng, thông binh, giỏi văn, nói năng hoạt bát…đưa về Kim Lăng huấn luyện rồi đưa về Đại Việt làm quan cai trị.
Tại Nghệ tĩnh, sau khi đàn áp xong cuộc kháng chiến của nhà Hồ, hoàng Phúc nhiều lần đích thân đến tận nhà phủ dụ Sử Đức Huy. Căm thù và không chịu hợp tác với giặc, Sử Đức Huy cùng với cha của mình là Sử Hy Nhan đã khước từ sự dụ dỗ mua chuộc của Hoàng Phúc. Mua chuộc và dụ dỗ không được, Hoàng Phúc tìm mọi cách hãm hại cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy. Vì vậy, ông cùng cha mình quyết định phá vườn, dỡ nhà, trốn tránh vào núi.
Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy quyết định chuyển nhà lên ở bên chân núi Mồng Gà. Bởi địa thế nơi đây vừa tránh được sự truy sát của giặc Minh vừa có thể khai hoang sản xuất phát triển kinh tế, đồng thời có thể xây dựng căn cứ để chống lại giặc Minh.
Không chỉ tổ chức khai hoang, Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy còn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Hai ông tổ chức lực lượng để đánh trả lại quân Minh mỗi khi chúng đến cướp phá. Sau nhiều lần bị thua, quân Minh không dám kéo đến cướp phá. Sau nhiều lần bị thua, quân Minh không dám kéo đến cướp bóc, nhân dân yên ổn làm ăn.
Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ Tĩnh theo mưu kế của Nguyễn Chích, Sử Đức Huy tìm đến yết kiến Lê Lợi. Được Lê Lợi tin tưởng chọn ông làm Quốc tử Bác sĩ, về sau phong làm Thượng thư bộ Hộ. Là một người có tài ăn nói, ngoại giao, Sử Đức Huy hai lần được Lê lợi cử đi sứ nhà Minh. Khi ông mất, không những dân Trại Đầu thờ ông mà dân ấp Ngọc Sơn cũng thờ ông.
Hiện nay có Đền thờ Song Trạng ở thị xã Hồng Lĩnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.