SỬ HY NHAN

Sử Hy Nhan( ? – 1421) vốn tên là Trần Hy Nhan. Ông là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Ông quê ở thôn Ngọc Sơn, xã Bình Lăng Thượng, huyện Phỉ LộcNghệ An phủ nay là thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh là quê hương thứ hai của ông, ông đã sinh sống ở đây cuối nửa đời và hậu duệ con cháu ngoại đang thờ ông tới ngày nay. Mộ ông tại cồn Mụ Ả đang do họ Trần ở xã Ân Phú thờ phụng.

Đền thờ Song Trạng nguyên Sử Hy Nhan – Sử Đức Huy được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994

Lúc trẻ, ông là người học giỏi, không sách nào không đọc. Ông đã đỗ đầu kì thi Hội năm Quý Mão (1363), làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, Tri kinh diên, Tri tân khách, Đại học sĩ. Ông phục vụ 3 triều vua Trần Dụ TôngTrần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông. Ông là người giỏi sử, có người cho rằng ông là tác giả cuốn Đại việt sử lược. Đại Việt sử lược chép lịch sử nước ta từ thời khởi thủy đến hết đời Lý Chiêu Hoàng (1225). Sách hoàn thành dâng lên vua, vua xem xong rất khen ngợi, nhân đó vua cho ông họ Sử, ban Kim ngư đại( túi thêu cá vàng).

Dưới thời nhà Hồ, ông lui về sống ở quê nhà Ngọc Sơn, mở trường dạy học. Năm 1407, nhà Minh diệt nhà Hồ, cho quan lại đi tìm những ai có tài đức, thông kinh sử, giỏi thơ văn đưa sang Kim Lăng huấn luyện rồi đưa về Đại Việt làm quan cai trị. Thượng thư Hoàng Phúc đích thân đi chiêu dụ cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy, hai ông lấy cớ bệnh tật từ chối rồi cùng gia nhân và một số dân làng trốn lên đất Đỗ Gia (nay là Hương Sơn) dựng trại dưới chân núi Mồng Gà sinh sống. Cha con Sử Hy Nhan có công khai phá ruộng đất vùng này. Mọi người truyền lại rằng vùng xã Sơn Long và xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, và xã Ân Phú, huyện Vũ Quang ngày nay đều được khai phá thời Sử Hy Nhan. Ông mất năm 1421 thời thuộc Minh. Còn sách Đại Việt sử lược trong thời gian quân Minh đô hộ nước ta, tướng Minh là Hoàng Phúc đi đây đó càn quét, cướp nhiều của cải, lấy nhiều sách vở, trong đó có Đại Việt sử lược mang về Sơn Đông(Trung Quốc). Sau này con cháu của Hoàng Phúc nhiều đời làm Thủ hiến Sơn Đông đã nộp sách Đại việt sử lược cho nhà Minh, quan nhận sách đã đưa vào” Tứ khố toàn thư” của Trung Quốc.

Sử Hy Nhan là người chăm đọc kinh sách và thường đem các kinh điển trong sách giảng cho vua nghe. Ông cũng có sáng tác. Tác phẩm duy nhất còn lại của ông là bài Trảm xà kiếm phú ( Phú Gươm chém rắn). Với tác phẩm này, Sử Hy Nhan được coi là một trong những tác giả văn xuôi chữ Hán hiếm hoi của lịch sử văn chương Việt Nam thời kỳ đầu. Bài phú được viết theo một lối dẫn dắt vừa kể, vừa gợi, vừa bình khá hấp dẫn. Đoạn đầu lược kể và khen ngợi công nghiệp dựng nên nhà Hán của Lưu Bang với thanh gươm quý chém rắn mở đường. Kế đó, mượn lời người khác, ông lại phủ nhận ý trên, mà cho rằng: dùng nhân và hòa mà bình được thiên hạ, mới hợp, mới đúng. Qua đó, Sử Hy Nhan đã đề cao đường lối vương đạo – cai trị bằng lòng nhân ái, hòa phục, mà phê phán lối cai trị bằng bá đạo – lấy vũ lực làm phương tiện. Tư tưởng ấy của ông so với đương thời và cả trường kỳ lịch sử quả thực rất táo bạo, tiến bộ, mang đậm tính chất nhân đạo. Kết thúc bài phú, là một bài ca, Sử Hy Nhan viết:

Kiếm này! Kiếm này! Là vật chẳng lành

Thánh nhân túng thế mới dùng mi, đâu phải vật quý

Ôi! Thánh triều ta sùng thượng văn học

Thiên hạ nhất thống, thái bình thịnh trị

Nếu có kiếm chừ, dùng đến mà chi.

Đền thờ Song Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy

Khi ông qua đời, dân Trại Đầu đã xây dựng lăng mộ và đền thờ để nhớ ơn. Bài vị trong đền đề: “Trần triều khôi nguyên, Nhập nội hành khiển, tri Kinh diên, tứ Kim ngư đại, Sử Tướng công, tự Hy Nhan thần vị”

Hiện nay có Đền thờ Song Trạng ở thị xã Hồng Lĩnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.