Xã Hương Minh

1. Vị trí, địa danh

Xã Hương Minh có tổng diện tích tự nhiên là 39,18 km 2 .
Phía Bắc giáp xã Đức Bồng;
Phía Nam giáp Quang Thọ;
Phía Đông giáp các xã Đức Hương, Đức Liên;
Phía Tây giáp Thị trấn Vũ Quang.
Trong lịch sử, xã Hương Minh đã có nhiều lần tách, nhập với những tên gọi khác. Cụ thể, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có tên là xã Hương Thụ; giai đoạn 1945 – 1949, sáp nhập với xã Hương Khê (tức xã Hương Thọ sau này) gọi là xã Song Hương; giai đoạn từ 1949 – 1956, xã Song Hương được sáp nhập cùng các xã Đan Khê (tức Hương Đại sau này) và Kim Quang thành xã Hương Giang. Từ năm 1956, khi xã Hương Giang được tách ra thành 5 xã là: Hương Quang, Hương Minh, Hương Điền, Hương Đại và Hương Thọ. Trong đó, xã Hương Minh là tên gọi mới của xã Hương Thụ trước đây. Tên gọi Hương Minh được giữ ổn định từ năm 1956 đến nay.
 

2. Dân số cơ cấu và tổ chức

– Toàn xã Hương Minh có trên 720 hộ dân với trên 2.300 nhân khẩu; được chia thành 08 thôn, gồm: Hợp Bình, Hợp Thắng, Hợp Lợi, Hợp Trùa, Hợp Duận, Đồng Minh, Hợp Đức và Hợp Lý.
– Đảng bộ xã có gần 260 đảng viên, với 13 chi bộ, trong đó có 08 chi bộ thôn và 05 chi bộ khối cơ quan, trường học.
– Toàn xã hiện có 02 trường học (01 trường mầm non và 01 trường tiểu học), 01 trạm y tế.

3. Tiềm năng, thế mạnh

Xã Hương Minh tiếp giáp với thị trấn Vũ Quang, có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy dọc xã; có sông Ngàn Trươi chảy qua nên thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa.
Với tiềm những năng về đất đai và thổ nhưỡng, xã Hương Minh có lợi thế để phát triển nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt là phát triển rừng sản xuất, nguyên liệu; trồng cây ăn quả, hình thành các trang trại, gia trại, góp phần đưa lại thu nhập cao cho người dân. Hương Minh là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Vũ Quang (vào năm 2014) và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.

4. Một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn xã

– Cam chanh
– Mật ong
– Ôỉ hữu cơ

5. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn

– Đền thờ Đoàn Văn Truyền (thôn Hợp Đức), được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006.