Xã Quang Thọ

1. Vị trí, địa danh

Xã Quang Thọ nằm về phía Đông Nam huyện Vũ Quang, có tổng diện tích tự nhiên là 25.801 ha.
Phía Đông giáp xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê);
Phía Tây giáp xã Thọ Điền;
Phía Nam giáp nước bạn Lào và xã Hòa Hải (huyện Hương Khê);
Phía bắc giáp thị trấn Vũ Quang và các xã Đức Hương, Đức Liên, Hương Minh.
Xã Quang Thọ được sáp nhập từ hai xã Hương Thọ và Hương Quang theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH, ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Tĩnh. Quang Thọ là địa phương có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, là nơi được Phan Đình Phùng và nghĩa quân lựa chọn đặt đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX; nơi có chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập sớm nhất trong các xã thuộc vùng hạ huyện Hương Khê trước đây và thượng huyện Vũ Quang ngày nay (Chi bộ xã Hương Khê thành lập vào đầu năm 1931); nơi được chọn xây dựng An toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp…

Trong lịch sử, vùng đất xã Quang Thọ đã có nhiều lần tách, nhập với những tên gọi khác. Cụ thể:

– Xã Hương Thọ: Thời phong kiến có các tên gọi như Bào Khê, Hương Khê. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, giai đoạn 1945 – 1949, sáp nhập với xã Hương Thụ (tức xã Hương Minh sau này) gọi là xã Song Hương; giai đoạn từ 1949
– 1956, xã Song Hương được sáp nhập cùng các xã Đan Khê (tức Hương Đại sau này) và Kim Quang thành xã Hương Giang. Từ năm 1956, khi xã Hương Giang được tách ra thành 5 xã là: Hương Quang, Hương Minh, Hương Điền, Hương Đại và Hương Thọ. Trong đó, xã Hương Thọ là tên gọi mới của xã Hương Khê trước đây. Tên gọi Hương Thọ được giữ ổn định từ năm 1956 đến cuối năm 2019, trước khi sáp nhập với xã Hương Quang thành xã Quang Thọ.
– Xã Hương Quang: Thời phong kiến có tên là Vụ Quang; thời thực dân Pháp đô hộ đổi tên là Kim Quang; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, giai đoạn 1945 – 1949 vẫn giữ tên gọi Kim Quang; từ 1949 – 1956, xã Kim Quang được sát nhập với các xã Vân Thượng và Song Hương thành xã Hương Giang. Từ năm 1956, khi xã Hương Giang được tách ra thành 5 xã là: Hương Quang, Hương Minh, Hương Điền, Hương Đại và Hương Thọ. Trong đó, xã Hương Quang là tên gọi mới của xã Kim Quang trước đây. Năm 1976, xã Hương Quang được đổi lại tên Vụ Quang và đến tháng 01 năm 2004, xã Vụ Quang lại được gọi lại tên Hương Quang. Đến cuối năm 2019, xã Hương Quang sáp nhập với xã Hương Thọ thành xã Quang Thọ.

2. Dân số cơ cấu và tổ chức

– Xã Quang Thọ hiện có trên 930 hộ dân với trên 3.300 nhân khẩu; trong đó có trên 1.100 nhân nhẩu theo đạo thiên chúa giáo; có 87 hộ với 330 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số. Toàn xã được chia thành 10 thôn, trong đó có 07 thôn (từ thôn 1 đến thôn 7) thuộc xã Hương Thọ trước đây và 03 thôn (Tân Quang, Tùng Quang, Kim Thọ) thuộc xã Hương Quang trước khi sáp nhập xã.
– Đảng bộ xã có gần 250 đảng viên, với 16 chi bộ, trong đó có 09 chi bộ thôn; 07 chi bộ thuộc khối trường học, 01 chi bộ y tế, 01 chi bộ công an và 01 chi bộ quân sự.
– Xã Quang Thọ hiện nay có 04 trường học (02 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường tiểu học – Trung học cơ sở), 01 trạm y tế.
– Có 01 giáo xứ (Vĩnh Hội) và 02 giáo họ (Yên Thịnh và Yên Hội).

3. Tiềm năng, thế mạnh

– Có chợ Quánh – trung tâm buôn bán, trao đổi hành hóa của nhân dân trong xã và các xã lân cận; có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy dọc xã; tiếp giáo đường Ân Phú – Cửa Rào; tiếp giáp sông Ngàn Sâu và có sông Ngàn Trươi chảy qua nên thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa.
– Với tiềm những năng về đất đai và thổ nhưỡng, xã Quang Thọ có lợi thế để phát triển nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt là phát triển rừng sản xuất, nguyên liệu, nhất là cây keo; trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh; hình thành các mô hình trang trại, gia trại, nuôi ong lấy mật, góp phần đưa lại thu nhập cao cho người dân.
Xã Quang Thọ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.

4. Một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn xã

– Cam chanh
– Bưởi Phúc Trạch
– Mật ong
– Nước chấm Thanh Mai…

5. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn

– Khu căn cứ Vụ Quang của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.
– Đền Cửa Rào (tại thôn 7), được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011.
– Nhà Bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng và nghĩa quân Hương Khê.
– Di tích An toàn khu 2 của Sở ấn loát tài chính Trung bộ tại Hói Trùng.
– Đền Bàu Ông (tại thôn 2).