Xã Thọ Điền

1. Vị trí, địa danh

Xã Thọ Điền nằm về phía Tây huyện Vũ Quang, có diệ tích 19.833ha.
Phía Đông giáp thị trấn Vũ Quang và xã Đức Lĩnh
Phía Tây giáp huyện Hương Sơn
Phía Nam giáp Lào và xã Quang Thọ
Phía Bắc giáp huyện Hương Sơn.
Xã Thọ Điền được sáp nhập từ hai xã Sơn Thọ và Hương Điền theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH, ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Hà Tĩnh.
Vùng đất Thọ Điền từng là tiền đồn, cửa ngõ của căn cứ cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng – đỉnh cao trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX; là căn cứ của Đội du kích Tràng Sim, một trong những đội vũ trang được thành lập sớm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ vào tháng 8 năm 1945.
 Ngược dòng lịch sử, vùng đất xã Thọ Điền ngày nay đã có một số lần tách, nhập với những tên gọi khác nhau. Cụ thể:
– Đối với xã Hương Điền: Thời phong kiến, vùng đất Hương Điền là một phần của xã Vụ Quang, sau đổi thành xã Kim Quang (tức xã Hương Quang sau này) thuộc tổng Hương Khê, huyện Hương Khê. 

Thời thuộc Pháp, từ khoảng những năm 1930 của thế kỷ XX, vùng đất này còn có tên gọi là Dinh Điền sau khi chính quyền thuộc địa cử Phờ rốt xa (Frossard) đưa công nhân đến lập đồn điền trồng cà phê ở khu vực Cồn Thờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồn điền trồng cà phê của thực dân Pháp bị giải tán, trên địa bàn hình thành nhóm dân cư nhỏ từ các huyện Đức Thọ, Hương Sơn đến khai hoang, sản xuất, lấy tên là xóm Dinh Điền. Đầu năm 1947, sau khi ATK 2 (An toàn khu II) được thành lập, vùng đất thuộc xóm Dinh Điền là địa bàn khai hoang của ATK 2 do Ty canh nông tỉnh Hà Tĩnh phụ trách, được gọi là khu canh nông Doanh Điền.

Từ năm 1949, theo chủ trương của chính quyền cách mạng cấp trên, khu canh nông Doanh Điền được sáp nhập với các xã Vân Thượng và Song Hương thành xã Hương Giang thuộc huyện Hương Khê. Đến năm 1956, xã Hương Giang được chia thành 5 xã là: Hương Quang, Hương Minh, Hương Đại, Hương Thọ và Hương Điền. Theo đó, địa giới xã Hương Điền mới thành lập gồm phần đất của xóm Doanh Điền và mở rộng thêm một phần đất thuộc xã Kim Quang trước đó. Tên gọi Hương Điền được giữ ổn định từ đó cho đến cuối năm 2019 trước khi sáp nhập với xã Sơn Thọ thành xã Thọ Điền.

– Xã Sơn Thọ: Thời phong kiến, vùng đất Sơn Thọ là một phần của xã Phúc Dương, tổng An Ấp, huyện Hương Sơn; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giai đoạn 1949 – 1954, xã Phúc Dương sát nhập với xã Kim Đan thành xã Dương Phúc, vùng đất Sơn Thọ thuộc về xã Dương Phúc. Năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, xã Dương Phúc được tách thành 3 xã là Sơn Trung, Sơn Phú và Sơn Trường thuộc huyện Hương Sơn, vùng đất Sơn Thọ thuộc địa phận xã Sơn Trường.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo sự chỉ đạo của cấp trên, hàng trăm hộ dân thuộc các xã Đức Bùi, Đức Yên, Đức Phong, Đức Bình, thị trấn Đức Thọ (của huyện Đức Thọ) đã di cư lên vùng đất thuộc xã Sơn Trường để xây dựng vùng kinh tế. Trong giai đoạn 1966 – 1969, để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên vùng đất mới, huyện Đức Thọ đã thành lập xã lâm thời với tên gọi xã Tân Sơn trực thuộc sự quản lý của huyện Đức Thọ. Đến tháng 9/1969, thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, xã mới
Tân Sơn được chuyển về cho huyện Hương Sơn quản lý và đổi tên thành xã Sơn Thọ. Ngày 11/6/1971, xã Sơn Thọ chính thức được thành lập theo Quyết định Số 167/QĐ-TTg của Văn phòng Phủ Thủ tướng. Tên gọi Sơn Thọ được giữ ổn định từ năm 1969 đến cuối năm 2019, trước khi sáp nhập với xã Hương Điền thành xã Thọ Điền.

2. Dân số cơ cấu và tổ chức

– Xã Thọ Điền hiện có 1002 hộ dân với 3.900 nhân khẩu, trong đó có 54 hộ với gần 200 nhân khẩu theo đạo Thiên Chúa.
– Toàn xã được phân thành 11 thôn, xóm; Đảng bộ xã có trên 230 đảng viên với 17 chi bộ, trong đó có 11 chi bộ thôn, 04 chi bộ thuộc khối giáo dục, 01 chi bộ công an và 01 chi bộ Quân sự.
– Xã Thọ Điền hiện nay có 04 trường học (02 trường mầm non: Trường Mầm non Hương Điền và Trường Mầm non Sơn Thọ, 01 trường tiểu học Hương Điền, 01 trường Tiểu học – Trung học cơ sở Sơn Thọ), 01 trạm y tế. Có 01 giáo xứ (Mân Côi) và 02 giáo họ (Vĩnh Sơn, và Vĩnh Điền).

3. Tiềm năng, thế mạnh

Với tiềm những năng về đất đai và thổ nhưỡng, xã Thọ Điền có lợi thế để phát triển nông – lâm nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt là phát triển rừng sản xuất, nguyên liệu, nhất là cây keo; Phát triển kinh tế một số sản phẩm cây con, đặc trưng cây Cam, cây Chè công nghiệp, cây Mía và sản xuất mật mía, Trà – những sản phẩm đang từng bước đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP tạo thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Xây dựng mô hình trải nghiệm kéo mật mía thủ công (điểm nổi bật toàn huyện chỉ có trên địa bàn xã Thọ Điền); hình thành các mô hình
trang trại, gia trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, nuôi hươu, nuôi ong lấy mật, góp phần đưa lại thu nhập cao cho người dân.

Với thuận lợi hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái và du lịch trải nghiệm… xã Thọ Điền có thôn Hoa Thị, là một trong 2 điểm được tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh để tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn tỉnh.

Xã Thọ Điền có nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt là nhà máy công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đóng trên địa bàn, từ đó tạo thuận lợi trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ và giải quyết việc làm cho con em địa phương.

4. Một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn xã

– Mật mía Nhàn Đức (Sản phẩm OCOP 3 sao)
– Chè Sơn Thọ
– Cam chanh, cam bù
– Mật ong

5. Công trình kiến trúc và điểm đến tiêu biểu trên
địa bàn

– Nhà máy gỗ MDF-HDF Thanh Thành Đạt.